banner 1
banner 2
banner 3
banner 4

3 năm lấy 2 bằng đại học


Gần đây, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường sớm với tấm bằng xuất sắc, trở thành hiện tượng lạ.








Nguyễn Trường Khánh - Ảnh: H.T

Nguyễn Trường Khánh - Ảnh: H.T




Vươn lên từ khó khăn


Dù chưa đến ngày trao bằng tốt nghiệp nhưng Huỳnh Nguyễn Mai Chi, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đang trở thành hiện tượng gây “sốt”. Chi là SV đầu tiên đạt kỷ lục tốt nghiệp 2 bằng ĐH chính quy chỉ sau 3 năm. Trong đó, ngành thứ nhất là thương mại điện tử với 7,9 điểm và ngành thứ hai tài chính ngân hàng với 8,1 điểm.


“Tốt nghiệp sớm không phải mục tiêu ban đầu, mình chỉ quyết học 4 năm để ra trường nhận 2 bằng ĐH. Đến năm thứ 3 khi tổng 2 chương trình học chỉ còn 27 môn thì mình mới có ý định học luôn để dứt điểm sớm việc học. Bố mất sớm, chỉ còn mẹ nuôi mình, đó là toàn bộ động lực sống và phấn đấu”, Mai Chi bộc bạch. Dù chưa chính thức cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay nhưng Chi hiện đang trong khóa huấn luyện để trở thành nhân viên chính thức bộ phận quản lý mặt đất của Vietnam Airlines.







3 năm lấy 2 bằng đại học - ảnh 2

Huỳnh Nguyễn Mai Chi




Cũng sau đúng 3 năm, Huỳnh Huyền Ngân vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành kế toán Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM với tổng điểm 3,61/4. Ngân cho biết trong tổng số 137 tín chỉ của chương trình, bảng điểm các môn đều đẹp với những con số từ 8 đến 10, ngoại trừ 2 bài thi bị “điểm tệ” là 6 và 7.


Tháng 11 tới đây, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM mới trao bằng tốt nghiệp đợt 2 trong năm nhưng Nguyễn Trường Khánh hiện đã là cái tên tiêu biểu khi đứng đầu trong số 7 SV tốt nghiệp trước thời hạn của trường. Không chỉ thế, Khánh còn là thủ khoa đầu ra của ngành kỹ thuật dầu khí với tổng điểm 8,39. Để có được tiến độ học này, Khánh từng trải qua học kỳ 15 học phần với 25 tín chỉ - mức đăng ký tối đa theo quy định của trường dành cho SV giỏi. Dù vậy, Khánh không bị nợ bất kỳ môn nào trong toàn bộ chương trình.


Khánh tâm sự: “Trong suy nghĩ của mình, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc rút ngắn được thời gian học tập cũng chính là giúp đỡ cha mẹ. Tuy nhiên, với một SV tốt nghiệp sớm còn giúp có thêm nhiều cơ hội việc làm tốt”. Ngay khi vừa tốt nghiệp loại giỏi, Khánh lập tức tìm được việc làm đúng chuyên môn. Dù vậy, chàng kỹ sư trẻ đang tập trung học tiếng Nhật theo dự án đưa kỹ sư VN tham gia đào tạo và làm việc tại nước này thời gian tới.


Vừa học vừa làm thêm







3 năm lấy 2 bằng đại học - ảnh 3

Huỳnh Huyền Ngân




Dù tốt nghiệp xuất sắc trong khoảng thời gian “siêu ngắn” nhưng các SV này cho biết vẫn có nhiều thời gian ngoài giờ học. Theo Nguyễn Trường Khánh, bí quyết nằm ở việc sắp xếp thời gian. “Phải nắm rõ chương trình học và quy trình đăng ký tín chỉ để sắp xếp lịch học cân đối và phù hợp, bởi lẽ không phải cứ muốn và đăng ký là được học ngay”, Khánh chia sẻ. Điều này rất đúng với kinh nghiệm của Huỳnh Nguyễn Mai Chi ở 2 học kỳ cuối khi có tới 27 học phần cần hoàn thiện cùng lúc với việc thực tập. Mai Chi nói: “Chuyện học chung với SV khóa trước, khóa sau mình trong trường hợp này cũng bình thường. Thậm chí phải chấp nhận việc đi học vào thời điểm người khác được nghỉ ngơi như dịp hè và những ngày cuối tuần”.


Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, Nguyễn Trường Khánh cho rằng quan trọng nhất là phải biết cách học. Theo Khánh: “Mục tiêu chính của việc học không đơn thuần để lấy điểm số mà học là để biết và có thể vận dụng được vào công việc khi đi làm. Vì vậy, việc lên lớp tập trung nghe giảng rất quan trọng, việc xem bài trước và sau khi lên lớp càng giúp lĩnh hội kiến thức tốt hơn”.


Dù học đua với thời gian nhưng các SV tốt nghiệp xuất sắc này đều cho biết đã làm được rất nhiều việc khác. Với Huỳnh Nguyễn Mai Chi, bên cạnh học tiếng Anh, tin học vào các buổi tối thì tham gia các khóa học nấu ăn, làm tóc, chỉnh sửa hình ảnh… giúp Chi tự làm mọi việc một cách bài bản nhất.


Trong khi đó, Huỳnh Huyền Ngân có quỹ thời gian rất rộng dành cho việc làm thêm. Cô SV tần tảo này cho biết bên cạnh thời gian đến lớp thì khoảng thời gian trống còn lại đều dành cho việc làm thêm kiếm tiền mưu sinh. Có những thời điểm, Ngân dậy từ 5 giờ sáng tranh thủ đi phát tờ rơi trước khi đến lớp học vào 7 giờ sáng. Các ngày cuối tuần, Ngân đi phục vụ các quán ăn. Thời gian còn lại các ngày trong tuần Ngân cần mẫn trong vai trò cô công nhân cắt chỉ. Công việc này thù lao được trả theo đơn giá (12.000 đồng/tiếng) nên Ngân tranh thủ mọi lúc rảnh để kiếm thêm thu nhập. “Làm thêm vừa có tiền phụ cha nhưng cũng giúp mình dần lớn lên cùng những trải nghiệm cuộc sống. Có thể vì quỹ thời gian ngắn hơn nên học bài tập trung hơn”, cô SV này dí dỏm.