banner 1
banner 2
banner 3
banner 4

Ngành Luật là gì?


Ngành luật là gì?



Công việc trong ngành luật, đặc biệt là với thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, thư ký tòa án v.v… thường áp lực lớn với khối lượng hồ sơ, tài liệu khổng lồ và những tình huống bất ngờ luôn có khả năng xảy ra. Tùy vào nghề nghiệp cụ thể mà những người trong ngành luật có điều kiện làm việc khác nhau. Theo một báo cáo mới đây, mọi lĩnh vực đều thiếu cán bộ pháp luật. Tính tới năm 2010, ngành tòa án cần thêm khoảng 4.000 thẩm phán, ngành kiểm sát cần thêm khoảng 2.500 kiểm sát viên, nhu cầu xã hội cần thêm hàng chục ngàn luật sư, chưa kể nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành công an cần cán bộ có trình độ cử nhân luật. Đây là cơ hội lớn cho những bạn trẻ muốn được tham gia vào ngành này.


Bạn hẳn từng chơi trò Quan tòa – Chỉ điểm đúng không, ở một số nơi trò chơi đó còn được gọi với cái tên “Ăn cắp trứng gà”. Sẽ thật hạnh phúc khi bạn bốc được lá thăm “Thẩm phán”, “Luật sư”,… và là người đứng về phía công lý, mang lại công bằng, cứu người vô tội và trừng phạt kẻ ác. Để có những quyết định chính xác, đúng pháp luật, đòi hỏi quá trình học hỏi nghiêm túc và vất vả đấy.


Học nghề luật ở đâu?



Để làm nghề luật bạn phải có những kiến thức pháp luật cơ bản ở trình độ cử nhân luật trở lên. Tức là các bạn phải tốt nghiệp những cơ sở đào tạo chuyên ngành luật.


Ba cơ sở đào tạo cử nhân luật lớn nhất trong cả nước là Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. Tham gia đào tạo cử nhân luật còn có một số cơ sở đào tạo khác như:Viện Đại học Mở Hà Nội, Khoa Luật Trường Đại học Khoa học Huế và Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ và mới đây làKhoa Luật Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.


Ngoài ra, còn những cơ sở chỉ đào tạo một chuyên ngành luật nhất định như Trường Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo cử nhân luật kinh tế,Học viện An ninh nhân dân đào tạo cử nhân luật chuyên ngành Điều tra tội phạm.


Chương trình đào tạo cử nhân luật kéo dài 4 năm với rất nhiều các môn học chuyên ngành luật khác nhau:


Luật hiến pháp, Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật hành chính, Luật thương mại, Luật lao động, Luật đất đai, Luật môi trường, Luật công pháp quốc tế, Luật tư pháp quốc tế, Luật thương mại quốc tế.v…


Nếu có khả năng ngoại ngữ và điều kiện tài chính, bạn nên tới học tại khoa luật ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Harvard (Mỹ), Oxford (Anh) hay MGU (Nga)… Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn làm quen và học hỏi trong những cái nôi đào tạo luật nổi tiếng thế giới.


Còn nếu không có khả năng theo học luật hệ chmh quy, các bạn hoàn toàn có thể đăng ký học tại chức luật theo hai hệ trung cấp luật và đại học luật. Hệ trung cấp luật được tổ chức ở một số địa phương để cung cấp nguồn cán bộ pháp luật cho các cơ quan cấp cơ sở như ủy ban nhân dân xã, phường v.v…


Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, bạn đã có thể trở thành các chuyên gia pháp lý làm việc ở tất cả những nơi có nhu cầu, như các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các trường học, viện nghiên cứu, các tổ chức kinh tế v.v…


Tuy nhiên, để được Nhà nước bổ nhiệm vào một số chức danh đặc thù như thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, ngoài việc tốt nghiệp đại học luật, bạn còn phải trải qua một khóa đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp. Hiện nay, thời gian học tại đây được quy định như sau:


– Muốn trở thành thẩm phán và kiểm sát viên, các bạn phải học nghề 12 tháng;


– Muốn trở thành luật sư, phải học nghề 6 tháng, sau đó làm luật sư tập sự 2 năm ở các văn phòng luật sư và công ty luật. Nói là luật sư tập sự nhưng bạn có thể làm gần như mọi việc của một luật sư chính thức;


– Muốn trở thành chấp hành viên, bạn phải học nghề 6 tháng;


– Muốn trở thành công chứng viên, bạn phải học nghề 4 tháng.


Hiện nay, Học viện Tư pháp đang áp dụng các chương trình đào tạo riêng biệt cho từng đối tượng. Nhưng từ năm 2007, Học viện sẽ đào tạo chung một chương trình cho những người muốn trở thành thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư.


Còn nếu muốn tiến xa hơn nữa trên con đường học vấn, bạn có thể tiếp tục học cao học, nghiên cứu sinh để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ luật học ở các cơ sở đào tạo luật kể trên. Viện Nhà nước và Pháp luật cũng là một đơn vị tham gia đào tạo sau đại học chuyên ngành luật rất có uy tín.


Bạn sẽ làm việc ở đâu?












Ngành luật hiện nay




·        Tòa án


Nếu là thẩm phán, các bạn sẽ làm việc ở tòa án. Nhưng toà án không chỉ có thẩm phán. Để giúp thẩm phán còn có một đội ngũ các chức danh khác như thư ký tòa án, thẩm tra viên v.v…


Hệ thống tòa án rất rộng lớn bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Bên cạnh hệ thống Tòa án nhân dân như vừa kể trên còn có hệ thống Tòa án quân sự gồm: Tòa án quân sự trung ương và Tòa án quân sự của các quân khu. Như vậy, ở bất cứ địa phương nào cũng có cơ quan tòa án để bạn thử sức.


·        Viện kiểm sát


Cũng giống tòa án, hệ thống viện kiểm sát được tổ chức ở ba cấp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ngoài hệ thống Viện kiểm sát nhân dân còn có Viện kiểm sát quân sự gồm Viện kiểm sát quân sự trung ương và Viện kiểm sát quân sự của các quân khu. Ở đâu có tòa án thì ở đó có viện kiểm sát.


·        Cơ quan thi hành án


Nếu bạn thích nghề chấp hành viên thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ là nơi bạn làm việc ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có phòng thi hành án trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh còn ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì có các đội thi hành án trực thuộc Phòng Tư pháp huyện. Phòng thi hành án và đội thi hành án được tổ chức ở tất cả các địa phương trong phạm vi toàn quốc.


·        Phòng công chứng nhà nước


Ở bất cứ tỉnh, thành phố nào trên đất nước chúng ta cũng có phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp. Một số địa phương còn có nhiều phòng do nhu cầu công chứng của nhân dân càng ngày càng tăng. Ví dụ ở Hà Nội có 4 phòng công chứng, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 phòng công chứng. Vậy mà khi đi công chứng, chúng ta thường vẫn phải đợi rất lâu. Bởi thế, hiện nay, Nhà nước đang xem xét việc “xã hội hóa” công chứng, hiểu nôm na là cho phép thành lập các văn phòng công chứng của tư nhân.


·        Bộ Tư pháp


Đây là cơ quan quản lý nhà nước của Chính phủ trong lĩnh vực pháp luật, bao gồm nhiều đơn vị trực thuộc như: các vụ chuyên môn, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu (như Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý), cơ quan báo chí, xuất bản (Nhà xuất bản Tư pháp và các báo, tạp chí ngành như Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật).


Cơ quan tư pháp ở địa phương có các Sở Tư pháp ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Phòng Tư pháp ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, còn ở phường, xã, thị trấn thì có các Ban Tư pháp. Ở đây, bạn sẽ thường xuyên được tiếp xúc, giúp đỡ những người cùng xã, phường với mình trong các công việc pháp lý như khai sinh, khai tử v.v…


·        Bộ phận pháp chế


Các bạn có thể lựa chọn nơi công tác tương lai của mình ở bộ phận pháp chế của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành… Các cơ quan này đều cần những cán bộ pháp lý giỏi chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo các vấn đề về pháp luật, bao gồm cả việc soạn dự thảo các văn bản luật.


·        Cơ quan thanh tra các Bộ, ngành


Ở các Bộ, ngành, ngoài công tác ở bộ phận pháp chế, các bạn còn có cơ hội làm việc ở bộ phận thanh tra. Với nhiệm vụ kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại, bộ phận này rất cần những người có chuyên môn ngành luật.


·        Các cơ sở đào tạo


Nếu các bạn yêu nghề giáo viên thì có thể giảng dạy các môn học luật ở các trường đại học hoặc môn giáo dục công dân ở các trường phổ thông trung học.


Ngoài các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật như Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh… còn nhiều trường đại học khác có giảng dạy một số môn học luật. Hoặc bạn có thể làm việc ở Học viện Tư pháp – cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo các kỹ năng hành nghề cho thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên v.v…


Còn nếu bạn muốn trở về với tuổi học sinh mộng mơ đầy kỷ niệm, bạn có thể làm giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân để truyền đạt cho các em học sinh những kiến thức pháp luật ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.


·        Các cơ quan nghiên cứu


Đây là nơi thích hợp cho những người có khả năng và ham thích nghiên cứu, tìm tòi. Pháp luật là một lĩnh vực rộng lớn với bao la kiến thức. Còn rất nhiều vấn đề chưa được khám phá và nghiên cứu thấu đáo vẫn đang chờ bạn chinh phục đấy. Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Viện Khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao, Viện Khoa học kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là những địa chỉ có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu pháp luật.


Nếu bạn muốn làm việc tự do hơn:



·        Các văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh


Văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh là các tổ chức hành nghề của luật sư. Bạn hãy tưởng tượng không khí làm việc hối hả của một văn phòng luật sư: chuông điện thoại đổ dồn; máy fax liên tục đẩy ra công văn, tài liệu; những cuốn sách gáy da đầy vẻ bí hiểm; lịch công tác đặc kín các cuộc hẹn làm việc với khách hàng; các nữ luật sư tay ôm hồ sơ dày cộp đi lại nhộn nhịp; vẻ mặt đăm chiêu của những luật sư thỉnh thoảng bừng lên sung sướng vì đã tìm ra giải pháp xử lý công việc theo yêu cầu khách hàng.



ngành luật

Ngành luật




·        Các doanh nghiệp


Nếu các bạn thấy mình phù hợp với môi trường kinh doanh năng động, doanh nghiệp sẽ là nơi làm việc lý tưởng cho bạn. Kiến thức pháp luật của bạn kết hợp với các ý tưởng kinh doanh của giám đốc sẽ giúp công ty rất nhiều.


Các công ty lớn đều có xu hướng xây dựng đội ngũ chuyên viên pháp lý hoặc cố vấn pháp lý để tư vấn cho lãnh đạo, đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh của công ty đều hợp pháp và được pháp luật bảo vệ vì vậy đòi hỏi rất nhiều nhân lực am hiểu ngành luật. Công ty Matsushita (sản xuất ra các sản phẩm điện tử nổi tiếng mang nhãn hiệu Panasonic, National…) sử dụng tới hơn 100 luật sư. Chắc hẳn bạn đã đọc nhiều cuốn sách, bài báo viết các vị giám đốc thành đạt, lừng danh trên thương trường. Đằng sau thành công của mỗi doanh nhân đều có sự đóng góp đáng kể của những cố vấn pháp lý đấy. Tại sao bạn không thử sức nhỉ?


·        Các tổ chức quốc tế


Bạn học luật và giỏi ngoại ngữ? Cơ hội để bạn làm việc ở các công ty nước ngoài và các tổ chức quốc tế là rất lớn. Do chính sách mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhiều công ty nước ngoài, trong đó có các công ty luật đã tới Việt Nam kinh doanh.


Thời gian đầu, các nhà kinh doanh nước ngoài thực sự lúng túng khi có rất ít các chuyên gia Việt Nam đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ trong công việc. Họ phải chấp nhận tuyển dụng những người tốt nghiệp các trường ngoại ngữ rồi đào tạo chuyên ngành. Nếu bạn đáp ứng cả hai điều kiện đó thì thật lý tưởng. Bạn có thể được tuyển dụng để làm cố vấn pháp lý cho các công ty nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế ở Việt Nam.


Cho dù bạn không thích tất cả những công việc kể trên thì vẫn còn một cơ hội nữa cho bạn. Bạn hoàn toàn có thể tự mình kinh doanh và kiến thức luật không bao giờ thừa. Rất nhiều sinh viên ngành luật sau khi tốt nghiệp đã tự mình gây dựng cơ sở kinh doanh và rất tự tin với kiến thức của mình, đứng vững được trên thương trường và thành đạt.