banner 1
banner 2
banner 3
banner 4

Vì sao thi tuyển công chức ở TP HCM tỷ lệ 'chọi' cao?

 

Vì sao thi tuyển công chức ở TP HCM tỷ lệ 'chọi' cao?

Vào biên chế nhà nước để ổn định, cán bộ ở TP HCM có thu nhập tăng thêm, số khác muốn trải nghiệm… là những lý do khiến kỳ thi tuyển công chức TP HCM có tỷ lệ "1 chọi 8".

Sau hai lần trượt, chị Trần Thị Thanh Trúc, 40 tuổi, đặt quyết tâm cao ở kỳ thi công chức đầu tháng 8. Hơn 10 năm gắn bó môi trường nhà nước nhưng chị chỉ là cán bộ không chuyên trách, được ký hợp đồng lao động từng năm một và giữ nguyên hệ số lương.

Với trình độ đại học về hành chính công, chị Trúc được xếp lương hệ số 2,34 và không thay đổi dù đã làm việc hơn chục năm qua. Đầu tháng 7, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, tính cả phụ cấp, thu nhập mỗi tháng của chị được hơn 5 triệu đồng.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội, cán bộ không chuyên trách chỉ được đảm bảo chế độ hưu trí, tử tuất, trong khi các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn - bệnh nghề nghiệp lại không có. "Tôi muốn vào công chức để được tăng lương định kỳ, chế độ tốt hơn và an tâm làm việc lâu dài", chị Trúc nói.

Chị Trúc xem sơ đồ phòng thi chiều 1/8. Ảnh: Lê Tuyết

Chị Trúc xem sơ đồ phòng thi chiều 1/8. Ảnh: Lê Tuyết

Theo quy định, công chức là người do bầu cử, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên trong các cơ quan nhà nước, được hưởng lương từ ngân sách.

Tùy trình độ, vị trí công việc, công chức có ngạch, bậc lương khác nhau. Ví dụ lương bậc 1 của công chức loại A1, trình độ đại học sẽ có hệ số 2,34. Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng, lương khởi điểm mỗi tháng của công chức này là 4.212.000 đồng. Tiền lương của công chức thay đổi khi tăng bậc (thường sau ba năm công tác) hoặc nhà nước điều chỉnh lương cơ sở.

Cuối tháng 4, khi thành phố thông báo nhận hồ sơ, chị Trúc liền đăng ký vào vị trí công chức văn hóa xã hội phường 5, quận Bình Thạnh. Theo thống kê, vị trí này có 11 hồ sơ dự tuyển, tức "1 chọi 10". Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn năm ngoái khi chị thi vào Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP HCM với tỷ lệ "1 chọi hơn 20". Lần này, để vững tâm, chị đăng ký khóa ôn tập tiếng Anh, kiến thức chung do Sở Nội vụ tổ chức.

"Thi cử một phần còn nhờ may mắn. Nếu rớt tôi sẽ chờ kỳ thi sau", chị Trúc nói. Ở tuổi 40, công việc lại phù hợp với trình độ chuyên môn nên chị mong muốn được gắn bó lâu dài với môi trường nhà nước.

Cũng thi vào vị trí công chức văn hóa xã hội phường, Lê Thị Vân Anh nói muốn được thử thách ở môi trường nhà nước. Cô gái 24 tuổi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung, từng đi làm ở doanh nghiệp nhưng hiện đã nghỉ việc.

"Tôi đã tìm hiểu kỹ về tiền lương nhà nước và biết thấp nhưng không lo lắng lắm", Vân Anh nói và cho biết gia đình ở thành phố, chưa có gia đình nên thu nhập "không phải là vấn đề lớn". Cô dự tính công việc mới không sử dụng đến vốn tiếng Trung được học nên sẽ tìm cách khác để sử dụng.

Thí sinh ôn bài trước giờ vào thi. Ảnh: Lê Tuyết

Thí sinh ôn bài trước giờ vào thi. Ảnh: Lê Tuyết

Vân Anh, chị Thanh Trúc là hai trong 3.358 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển công chức 2023 của TP HCM. Năm nay, thành phố tuyển 394 người, tức bình quân hơn 8 người mới chọn được một. Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân đánh giá tỷ lệ cạnh tranh kỳ thi khá cao. Điều này cho thấy sức hút vào làm việc trong lĩnh vực công rất lớn và kỳ vọng qua kỳ thi, thành phố sẽ lựa chọn được những người xuất sắc tham gia phục vụ trong bộ máy hành chính.

Phân tích lý do kỳ thi tuyển có tỷ lệ cạnh tranh cao, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho rằng sau đại dịch và cơn bão suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự phần nào tác động đến tâm lý lao động.

"Lương nhà nước không cao nhưng có những lợi thế cạnh tranh nhất định", ông Lộc nói và thêm rằng làm việc giờ hành chính, được nghỉ hai ngày cuối tuần. Công việc ổn định hơn so với khối tư nhân đang có nhiều bấp bênh. Nếu trước đây rủi ro việc làm gần như chỉ ở nhóm không có tay nghề, chưa qua đào tạo nhưng giờ đây lao động có trình độ từ đại học trở lên cũng dễ dàng thất nghiệp trong làn sóng sa thải lan rộng.

Một lý do khác, theo ông Lộc là mấy năm qua chính sách tinh giản biên chế, nhu cầu tuyển dụng của nhà nước bị nén lại, những cán bộ bán chuyên trách, ký hợp đồng lao động chờ đợi quá lâu. Đây là nhóm có nhu cầu tìm kiếm sự ổn định, đặc biệt khi tìm việc làm ngoài thị trường ngày càng khó khăn thì kỳ thi tuyển công chức là một cơ hội tốt.

Chuyên gia này cũng cho rằng một yếu tố được xem là lợi thế khác biệt để TP HCM thu hút người vào khu vực công là cán bộ, công chức, viên chức thành phố được chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù từ năm 2018. Theo Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội ban hành hôm 24/6 mức chi này tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Phòng thi trắc nghiệm trên máy tính hôm 31/7. Ảnh: An Phương

Phòng thi trắc nghiệm trên máy tính hôm 31/7. Ảnh: An Phương

Trong khi đó ông Đỗ Văn Đạo, nguyên phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho rằng không chỉ năm nay, tỷ lệ chọi ở các kỳ thi tuyển công chức ở thành phố tương đối khá cao. Đây là nguyện vọng chính đáng của nhiều người vì phù hợp với trình độ chuyên môn hoặc đã có thời gian gắn bó lâu dài với vị trí là cán bộ bán chuyên trách.

Theo ông Đạo, việc một bộ phận cán bộ rời khỏi môi trường nhà nước nhưng người khác muốn vào là điều bình thường. Điều quan trọng là kỳ thi phải có những tiêu chí chọn lựa để tìm được người phù hợp với vị trí tuyển dụng và giữ chân họ ở lại với khu vực công.

"Người phù hợp với công việc có thể không phải là người giỏi nhất', ông Đạo nói và dẫn chứng với một cán bộ làm việc ở phường, điều quan trọng hàng đầu thái độ hòa nhã khi tiếp xúc với dân. Người đó làm việc tận tụy, chuyên nghiệp, mong muốn được gắn bó lâu dài, chấp nhận những điều còn hạn chế của môi trường nhà nước ví dụ lương thấp, "chứ không phải họ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ".

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng ưu điểm dễ nhìn thấy của kỳ thi tuyển công chức công khai là mở ra cơ hội tiếp cận cho nhiều người. Tuy nhiên tổ chức thi, chọn người điểm cao nhất như vào đại học chưa chắc đã chọn được đúng người. "Nhìn cách tuyển người của doanh nghiệp sẽ thấy, họ không chọn người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, với người làm nhà nước tính chuyên nghiệp cần được đặt lên hàng đầu để phục vụ người dân tốt nhất. Ví dụ ở Singapore, viên chức ở khu vực công không có giai đoạn học việc dù tất cả người dân với những ngành học khác nhau đều có thể ứng tuyển vào nhà nước. Tuy nhiên, trước khi được chính phủ ký hợp đồng, họ phải tham gia một khóa đào tạo về hành chính công, giống như bước đệm trước khi làm việc chính thức.

   Sưu tầm từ nguồn vnexpress